Trong những bài viết trước, Nhung đã giới thiệu về các khái niệm, kỹ năng của một nhà phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) giúp bạn có những cái nhìn tổng quan nhất về ngành nghề này và có sự định hướng trong nghề nghiệp. Trong bài biết này, Nhung sẽ giới thiệu đến bạn đọc về lộ trình phát triển của một Business Analyst (BA), cùng xác định chúng ta sẽ là ai trong những năm tới với lĩnh vực này và những điều cần thực hiện để đạt được mục tiêu đó.

Tổng quan về Business Analyst

Khi nhắc đến Business Analyst, nhiều bạn thường hình dung đến một cầu nối giữa doanh nghiệp và công nghệ. Đúng vậy, BA đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập và phân tích yêu cầu từ các bên liên quan, sau đó đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, Business Analyst là người tìm hiểu nhu cầu của các bên liên quan trong tổ chức, xác định vấn đề hiện tại, phân tích và đưa ra những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực. Nhiệm vụ chính của BA bao gồm:

  • Hiểu rõ nhu cầu của các bên liên quan.
  • Phân tích trạng thái hiện tại của tổ chức.
  • Đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện quy trình và hiệu quả hoạt động.

Đội ngũ Business Analyst thường được chia thành các nhóm chính như sau:

  • Nhóm vận hành: Nhóm này sẽ thực hiện các công việc liên quan đến quản lý các nguồn lực như thời gian, chi phí và nhân lực. Nhóm này thường được chịu trách nhiệm bởi Product Manager, Project Manager, Program Manager, …
  • Nhóm quản lý: Nhóm này sẽ thực hiện các công việc liên quan đến việc quản lý các hoạt động và quá trình của dự án và thưởng được đảm nhiệm bởi BA Team Lead, BA Manager, Business Analyst
  • Nhóm xây dựng chiến lược: Các công việc này thưởng được thực hiện bởi Enterprise Architect hoặc Business Architect.

Ngoài ra, lĩnh vực này còn có nhiều nhóm khác với nhiều vị trí công việc khác nhau. Mỗi vị trí sẽ đảm nhận những công việc riêng phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của người đảm nhiệm chúng và sự phân công của quản lý.

Lộ trình phát triển công việc của Business Analyst

Cũng tương tự như một số ngành khác, một BA cũng sẽ có những giai đoạn phát triển qua từng cấp bậc theo số năm làm việc là kinh nghiệm thực tế của họ. Tuy nhiên, đến những cấp bậc cao hơn, sự khác biệt sẽ được thể hiện rõ về trách nhiệm và hướng đi tiếp theo nhưng hơn hết, trách nhiệm công việc và kinh nghiệm thực tế là sự khác biệt rõ rệt nhất.

Entry – Level Business Analyst

  • Thời gian kinh nghiệm: Dưới 2 năm
  • Vai trò:
    • Hỗ trợ các Senior BA trong việc thu thập, phân tích, và tài liệu hóa yêu cầu.
    • Tham gia các buổi họp khách hàng với vai trò quan sát và học hỏi.
    • Thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như phân tích quy trình hoặc chuẩn bị tài liệu dưới sự hướng dẫn.
  • Kỹ năng cần thiết:
    • Hiểu biết cơ bản về phân tích nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp tốt.
    • Sử dụng thành thạo các công cụ như Microsoft Office, Figma hoặc Jira.
    • Kỹ năng viết tài liệu ở mức cơ bản.

Mid-Level Business Analyst (Junior BA)

  • Thời gian kinh nghiệm: 2 – 4 năm
  • Vai trò:
    • Tự chủ trong việc thu thập và phân tích yêu cầu từ khách hàng cho các dự án có độ phức tạp trung bình.
    • Đề xuất giải pháp và tham gia xây dựng quy trình mới cho doanh nghiệp.
    • Hỗ trợ Senior BA hoặc Project Manager trong việc quản lý dự án.
  • Kỹ năng cần thiết:
    • Kỹ năng viết tài liệu yêu cầu (BRD, FRD) và mô hình hóa quy trình.
    • Kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp với các bên liên quan.
    • Khả năng làm việc độc lập với mức độ hỗ trợ tối thiểu.

Senior Business Analyst

  • Thời gian kinh nghiệm: Trên 5 năm
  • Vai trò:
    • Chịu trách nhiệm chính trong việc phân tích các dự án phức tạp.
    • Đưa ra giải pháp chiến lược và đảm bảo chất lượng đầu ra của dự án.
    • Dẫn dắt đội ngũ BA, hỗ trợ định hướng và quản lý công việc của các Junior BA.
  • Kỹ năng cần thiết:
    • Kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định.
    • Kỹ năng xử lý xung đột và giải quyết vấn đề phức tạp.
    • Kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh hoặc công nghệ.

Để đạt được đến cấp độ Senior BA, Business Analyst đã có một quãng thời gian khá dài để trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thông qua thực tế công việc cùng với các dự án từ đơn giản đến phức tạp. Sau giai đoạn này, mỗi người sẽ có bước đi khác nhau trong lĩnh vực và mục tiêu nghề nghiệp, cụ thể:

  • Nhóm Delivering Path: Theo lộ trình nghề nghiệp của Business Analyst, nhóm Delivering Path đại diện cho hướng vận hành. Khi theo hướng này, BA sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thực hiện các công việc chi tiết liên quan đến dự án từ thu thập yêu cầu đến triển khai.

Những BA chọn hướng này sẽ đối mặt với các vấn đề về điều chỉnh và quản lý hiệu quả những thành phần quan trọng trong dự án. BA theo hướng này đòi hỏi phải có kỹ năng phân tích, viết tài liệu, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.

Đối với Delivering Path, Business Analyst có thể trở thành Project Manager, Product Manager, Program Manager và thậm chí là CIO. Tuy nhiên, những vị trí này thường đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm khác ngoài những kỹ năng của một BA. Do đó, BA thường là vị trí khởi đầu và dễ dàng phát triển thành các vị trí trên.

  • Nhóm Managing Path: Chọn Managing Path đồng nghĩa với việc tập trung chủ yếu vào quản lý dự án và đội ngũ BA. Nhiệm vụ của Business Analyst trong nhóm này là quản lý các giai đoạn của dự án, từ lập kế hoạch đến đánh giá kết quả.

Với sự đa dạng của các vị trí trong nhóm này, từ BA Team Lead, BA Practice Lead đến BA Program Lead, BA Manager và Business Relationship Manager. Do đó, Business Analyst sẽ cần trau dồi khả năng quản lý và lãnh đạo nhóm.

Đặc biệt, BA theo nhóm này thường sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với các thành viên khác trong nhóm để phát triển chung. Cùng với việc đảm bảo hiệu suất và chất lượng của công việc, Business Analyst theo nhóm này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường làm việc tích cực và sáng tạo.

  • Nhóm Planing Path: Business Analyst theo nhóm Planning Path sẽ tập trung phát triển chiến lược và lập kế hoạch cho doanh nghiệp. Đây là một career path đặc biệt dành cho những người có đam mê phát triển chiến lược doanh nghiệp.

Theo lộ trình nghề nghiệp của Business Analyst, nhóm Planning Path có cơ hội đảm nhận các vị trí như Business Architect, Enterprise Architect với nhiệm vụ xây dựng chiến lược lâu dài và định hình cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp. Các vị trí này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về mô hình kinh doanh và chiến lược, cũng như khả năng định hình hình ảnh chiến lược cho tương lai, do đó, BA trong nhóm này không chỉ là những người thực hiện phân tích chiến lược mà còn là những người đóng góp quan trọng vào quá trình đưa ra quyết định lớn của doanh nghiệp. Vì vậy, bắt đầu sự nghiệp với vị trí Business Analyst sẽ là khởi đầu thuận lợi cho những bước tiến trong sự nghiệp của bạn với những vai trò khác.

Lộ trình phát triển của một Business Analyst không chỉ là một hành trình tích lũy kinh nghiệm mà còn là quá trình xây dựng năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm và tầm nhìn chiến lược. BA không đơn thuần chỉ là người làm cầu nối giữa doanh nghiệp và công nghệ, mà còn là người định hướng chiến lược, giải quyết vấn đề và thúc đẩy sự đổi mới. Dù bạn chọn hướng đi nào – từ chuyên sâu vào vận hành, quản lý, hay xây dựng chiến lược – thì mỗi giai đoạn đều mang lại cơ hội để bạn thử thách, học hỏi và khẳng định bản thân.

Dù bạn đang ở giai đoạn Entry-Level, Mid-Level hay đã trở thành Senior BA, điều quan trọng nhất là hãy luôn chủ động học hỏi, không ngừng nâng cấp bản thân và sẵn sàng đối mặt với thách thức. Mỗi bước đi trong sự nghiệp đều là một mảnh ghép quan trọng giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu lớn của mình. Nhung hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về lộ trình phát triển của công việc này để có những bước đi đúng đắn trong sự nghiệp của mình.