Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, Business Analyst không chỉ cần có kinh nghiệm làm việc thực tế mà còn phải chứng minh năng lực thông qua các tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt để tạo sự tin tưởng và chứng minh năng lực với đối tác hoặc đồng nghiệp. Một trong những cách hiệu quả nhất để làm điều đó là sở hữu các chứng chỉ chuyên môn.

Tuy nhiên, liệu chứng chỉ chuyên môn có là cách duy nhất để BA chứng minh năng lực làm việc của mình và những chứng chỉ nào có giá trị đối với người làm phân tích nghiệp vụ. Trong bài viết này, Nhung sẽ giới thiệu các chứng chỉ trong lĩnh vực Business Analysis và vai trò của các chứng chỉ đó, giúp bạn xác định chứng chỉ nào phù hợp với các giai đoạn nghề nghiệp nhằm có kế hoạch chi tiết cho công việc của mình.

Lợi ích của việc sở hữu các chứng chỉ Business Analyst

Việc sở hữu các chứng chỉ quốc tế không chỉ là một tấm bằng trang trí trên hồ sơ mà còn là minh chứng cho năng lực và sự cố gắng của mỗi BA. Những chứng chỉ mang giá trị thực tiễn trong sự nghiệp của họ, điều này đã được chứng minh qua những trường hợp cụ thể, mỗi Business Analyst khi sở hữu những chứng chỉ chuyên môn quốc tế đều cho rằng chúng có những lợi ích to lớn trong hành trình phát triển nghề nghiệp của họ và vượt qua những thử thách trong công việc. Dưới đây là những lợi ích của việc sở hữu những chứng chỉ Business Analyst:

Chứng minh năng lực và kiến thức chuyên môn

Khi chưa từng làm việc với nhau thì cách để chứng minh năng lực của mình với đối tác hoặc đồng nghiệp một cách uy tín là những chứng chỉ Business Analyst đạt được bởi để được cấp chứng chỉ bởi các tổ chức uy tín, BA cần có nền tảng kiến thức vững chắc về phân tích nghiệp vụ. Bên cạnh đó, BA cũng cần phải trải qua quá trình học tập, nghiên cứu và kiểm tra nghiêm túc và tuân theo các chuẩn mực quốc tế để được công nhận về kiến thức và kinh nghiệm. Những tổ chức này là những tổ chức có bề dày kinh nghiệm và độ uy tín cao trong việc đào tạo và thẩm định kiến thức chuyên môn và kỹ năng của Business Analyst trong việc phân tích dữ liệu.

Gia tăng cơ hội việc làm và mức lương

Một chứng chỉ Business Analyst uy tín có thể chứng minh rằng BA đó có kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm nhiệm công việc, nó cũng khiến nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đánh giá, đặt bạn lên bàn cân với những ứng viên tiềm năng khác. Theo Nhung tìm hiểu, hiện nay có khá nhiều công ty sẵn sàng đề xuất những mức lương cao với những ứng viên sở hữu những chứng chỉ chuyên môn, bên cạnh đó, một số công ty outsourse cũng yêu cầu nhân viên của viên của mình học và thi những chứng chỉ chuyên môn để đảm bảo yêu cầu từ khách hàng. Do đó, nếu bạn là một Business Analyst sở hữu những chứng chỉ đó, bạn sẽ gia tăng cơ hội việc làm và mức lương của mình.

Nâng cao kỹ năng công việc

Việc nâng cao kỹ năng làm việc của BA là mục đích chính của việc xây dựng các chứng chỉ kèm theo những bài đánh giá khắt khe. Để vượt qua bài kiểm định và nhận được chứng chỉ, đòi hỏi Business Analyst không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn có kỹ năng làm việc tốt cùng với bề dày kinh nghiệm làm việc thực tế với nhiều dự án và tình huống khác nhau. Do đó, việc sở hữu nhưng chứng chỉ này đòi hỏi BA phải cố gắng nâng cao kỹ năng của mình và chúng chính là minh chứng cho sự cố gắng của bạn.

Tăng khả năng thăng tiến trong công việc

Nếu bạn muốn lên các vị trí cao hơn như Senior BA, Lead BA hoặc Product Manager, chứng chỉ là một cách để khẳng định chuyên môn và tạo lợi thế khi đề xuất thăng chức. Nếu những điều bạn có thể làm được hoặc hiểu biết chỉ được trình bày bởi lời nói, có thể chúng sẽ mang tính chủ quan và thiếu thuyết phục nhưng nếu những điều đó được công nhận bởi một tổ chức uy tín thì chúng sẽ mang tính thuyết phục cao hơn và cơ hội thăng tiến của BA sẽ cao hơn.

Một ví dụ cụ thể, tại công ty của Nhung có những quy định về việc thăng cấp đối với nhóm Business Analyst. Ngoài những sự cố gắng trong công việc của BA qua công việc hàng ngày và qua các dự án, nếu Business Analyst có đề xuất được lên các vị trí cao hơn, đặc biệt với các vị trí liên quan đến quản lý, họ cần đạt các chứng chỉ chuyên ngành được các tổ chức uy tín cấp để chứng minh năng lực. Ngoài ra, công ty cũng có chế độ hỗ trợ chi phí thi chứng chỉ cho nhân viên, do đó, các thành viên trong KPIM rất tích cực trau dồi kiến thức và sở hữu nhiều chứng chỉ.

Các chứng chỉ uy tín và phổ biến hiện nay đối với Business Analyst

Hiện nay có khá nhiều chứng chỉ dành cho Business Analyst, mỗi chứng chỉ đều có chức năng công nhận các kỹ năng khác nhau trong việc quản lý đội nhóm và phân tích nghiệp vụ. Do đó, BA cần hiểu rõ về chúng và mục tiêu của mình là gì để chọn loại chứng chỉ và tổ chức uy tín, phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân.

CBAP (Certified Business Analysis Professional)

  • Cấp bởi: IIBA (International Institute of Business Analysis)
  • Dành cho: BA có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên (Có ít nhất 7500 giờ làm việc trong lĩnh vực phân tích kinh doanh, hoàn thành 37 PD trong các lĩnh vực liên quan đến phân tích kinh doanh)
  • Nội dung: Kỹ năng phân tích yêu cầu, quản lý stakeholder, kỹ thuật modeling, chiến lược kinh doanh.
  • Lợi ích: Được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt phù hợp với BA cấp cao.
  • Bài thi: Bao gồm 120 câu hỏi với nhiều chủ đề

CCBA (Certification of Capability in Business Analysis)

  • Cấp bởi: IIBA
  • Dành cho: BA có 2-3 năm kinh nghiệm (Có ít nhất 2500 giờ làm việc trong lĩnh vực phân tích kinh doanh, hoàn thành 21 PD trong các lĩnh vực liên quan đến phân tích kinh doanh)
  • Nội dung: Tập trung vào kiến thức nền tảng của BABOK Guide (Business Analysis Body of Knowledge).
  • Lợi ích: Bước đệm trước khi đạt CBAP, phù hợp với BA có kinh nghiệm trung bình.
  • Bài thi: Bao gồm 150 câu hỏi trắc nghiệm và 2 bài viết thực hành

ECBA (Entry Certificate in Business Analysis)

  • Cấp bởi: IIBA
  • Dành cho: Người mới bắt đầu hoặc sinh viên muốn theo nghề BA.
  • Nội dung: Cung cấp kiến thức cơ bản về BA, không yêu cầu kinh nghiệm.
  • Lợi ích: Giúp xây dựng nền tảng vững chắc để bước vào nghề.
  • Bài thi: Bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm tập trung vào kiến thức cơ bản về phân tích nghiệp vụ theo BABOK® Guide

PMI-PBA (Professional in Business Analysis)

  • Cấp bởi: PMI (Project Management Institute)
  • Dành cho: BA có kinh nghiệm từ 3-5 năm, đặc biệt trong môi trường quản lý dự án.
  • Nội dung: Tập trung vào phân tích yêu cầu trong dự án, kỹ thuật phân tích dữ liệu, chiến lược kinh doanh.
  • Lợi ích: Phù hợp với BA làm trong môi trường quản lý dự án theo chuẩn PMI.
  • Bài thi: Bao gồm 200 câu hỏi trong 240 phút về các kỹ thuật phân tích.

CPRE (Certified Professional for Requirements Engineering)

  • Cấp bởi: IREB (International Requirements Engineering Board)
  • Dành cho: BA chuyên về phân tích yêu cầu nghiệp vụ và kỹ thuật.
  • Nội dung: Các phương pháp thu thập yêu cầu, quản lý thay đổi và kiểm tra yêu cầu.
  • Lợi ích: Hữu ích cho BA làm việc với hệ thống phần mềm và công nghệ.

Ngoài ra, Business Analyst cũng có thể học thêm một số các chứng chỉ khác để bổ trợ cho công việc như:

  • PMP (Project Management Professional) – Dành cho BA muốn nâng cao kỹ năng quản lý dự án.
  • Scrum Master (CSM, PSM) – Hữu ích cho BA làm việc trong môi trường Agile.
  • SQL và Data Analytics Certifications (Google, Microsoft, AWS, etc.) – Dành cho BA chuyên về phân tích dữ liệu.

Có thể tổng hợp bài viết của Nhung qua các thông tin dưới đây để bạn dễ hình dung:

  • Nếu bạn là người mới bắt đầu và có ít kinh nghiệm: chứng chỉ ECBA
  • Nếu bạn là BA có 2-3 năm kinh nghiệm: chứng chỉ CCBA, PMI-PBA
  • Nếu bạn là BA có trên 5 năm kinh nghiệm: chứng chỉ CBAP, CPRE
  • Nếu bạn là BA muốn phát triển trong lĩnh vực quản lý dự án: chứng chỉ PMP, Scrum Master

Chứng chỉ không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công của một Business Analyst, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, khẳng định năng lực và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đặc biệt trong thị trường nghề nghiệp ngày càng cạnh tranh. Tùy vào cấp độ kinh nghiệm và định hướng phát triển, bạn có thể lựa chọn chứng chỉ phù hợp như ECBA, CCBA, CBAP hoặc PMI-PBA.

Việc đầu tư vào chứng chỉ là một khoản đầu tư lâu dài, giúp bạn cạnh tranh hơn trên thị trường lao động, nâng cao mức lương và có cơ hội thăng tiến. Nếu bạn đang muốn tạo dựng một sự nghiệp vững chắc trong lĩnh vực Business Analysis, hi vọng bài viết này của Nhung sẽ giúp bạn có kế hoạch đúng đắn cho sự phát triển của mình trong tương lai với lĩnh vực này.